7 SAI LẦM CẦN TRÁNH KHI CHO CON ĂN DẶM

Ăn dặm là hành trình khá gian nan cho cả mẹ và bé, thế nên rất nhiều mẹ cho con ăn dặm chưa đúng cách, dẫn đến bé không hấp thu đủ vi chất dinh dưỡng. Và kết quả là, có đến 50% trẻ em Việt Nam không đủ vi chất dinh dưỡng để phát triển não bộ và chiều cao (theo khảo sát tình trạng dinh dưỡng trẻ em khu vực Đông Nam Á – SEANUTS). Vậy nên ngay từ giai đoạn ăn dặm, mẹ cần tránh các sai lầm bên dưới để giúp bé thích thú với việc ăn uống, đảm bảo cung cấp đủ vi chất để bé phát triển toàn diện.
 
nhungsailamkhichobeandam
Chọn thời điểm ăn dặm chưa hợp lý – bé khó tiêu hóa

Theo các chuyên gia dinh dưỡng thì thời điểm thích hợp nhất cho bé ăn dặm nên sau 6 tháng tuổi vì trước đó trẻ vẫn cần kháng thể từ sữa mẹ để tăng sức đề kháng. Trước đây, nghỉ thai sản 4 tháng phải quay lại công việc nên nhiều mẹ thường vội vã cho con ăn dặm từ tháng thứ 4, 5. Hệ tiêu hóa của bé lúc này chưa hoàn chỉnh, việc cho bé ăn dặm quá sớm chỉ làm bé khó hấp thụ thức ăn, tiêu hóa kém, dẫn đến tình trạng bé chán ăn và thậm chí bỏ bú vì luôn trong tình trạng khó tiêu.

Quá nhiều chất đạm – bé khó hấp thu

Lo sợ con ăn không đủ chất nên nhiều mẹ khi nấu bột cho thật nhiều thịt, cá, trứng vào và nghĩ như thế mới đủ chất. Thực tế, khi mới bắt đầu ăn dặm, bé cần làm quen với thức ăn loãng trước để hệ tiêu hóa dễ hấp thu. Lượng đạm quá nhiều dễ làm bé bị rối loạn tiêu hóa. Mẹ chỉ nên cho bé ăn các thức ăn nhiều đạm khi bé trên 8 tháng tuổi. Tốt nhất nên cho bé ăn từng chút, xen kẽ các bữa mặn – ngọt để bé quen dần và hấp thu tốt hơn.
Ăn nhiều nhưng không hấp thụ sẽ dẫn đến tình trạng bé bị thiếu hụt vi chất về sau. Mẹ cần cho bé ăn đúng giai đoạn và đúng dinh dưỡng theo từng nhu cầu phát triển của bé.

Hầm xương, cho ăn nước, bỏ cái – không đủ vi chất dinh dưỡng

Mẹ quan niệm “ăn xương sẽ cứng xương” nên cứ hầm nhiều xương, lấy nước pha bột, nấu cháo nhưng không cho bé ăn cái. Về hương vị, nước hầm xương ngọt và thơm nhưng chủ yếu là mỡ, không giàu đạm hay canxi nên cho bé ăn kéo dài dễ bị thiếu vi chất. Mẹ cần cho bé ăn cả cái và nước để đảm bảo các dưỡng chất cần thiết.

Nấu 1 lần cho ăn cả ngày – bé dễ ngán

Đa số mẹ có thói quen nấu một 1 lần và cho bé ăn cả ngày, khi cần ăn chỉ mang ra hâm nóng lại. Thức ăn để cả ngày không còn hương vị thơm ngon, vi chất dinh dưỡng của thức ăn khi hâm nóng nhiều lần cũng giảm nên dù trẻ có ăn nhiều cũng không đủ chất. 

Để kích thích bé ăn ngon miệng, mẹ chỉ nên nấu sẵn nồi cháo trắng, phân ra từng phần giữ trong tủ lạnh. Đến bữa ăn, mẹ lấy ra một phần, sau đó bằm thịt, cá, tôm và rau rồi nấu chín để có một bữa ăn thơm ngon cho bé.

Ép trẻ ăn nhiều và kéo dài bữa ăn

Dạ dày bé nhỏ hơn 5 lần người lớn nên nếu mẹ cứ ra sức thúc bé ăn chỉ “phản tác dụng”, khó hấp thu vì bé đầy bụng, khó tiêu, thậm chí biếng ăn và chậm. Không ít mẹ còn ra sức bắt bé ăn hết khẩu phần, vừa ăn vừa chơi đến 1-2 giờ đồng hồ làm thức ăn nguội lạnh mất hết hương vị. Mẹ nên cho bé ăn trong vòng 30 phút, sau đó thì dừng dù bé ăn được ít hay nhiều để bé còn cảm giác đói và thèm ăn cho bữa ăn tiếp theo.

Sử dụng quá nhiều gia vị dễ gây hại đến thận của bé

Vị giác của các bé nhạy cảm hơn người lớn nên món ăn vừa miệng mẹ có khi lại mặn với bé. Chưa kể dùng nhiều gia vị dễ gây hại đến thận vốn còn nơn nớt. Hạn chế sử dụng gia vị để bé ăn vừa miệng và bảo vệ sức khỏe của con.

Giảm lượng sữa hằng ngày – bé thiếu hụt vi chất 

Bé từ 5 tháng tuổi cần 1.200 – 1.400 ml sữa mỗi ngày còn việc ăn dặm chỉ là xen kẽ để tập dần. Tuy nhiên, khi cho bé bắt đầu ăn dặm, hầu hết mẹ lại giảm luôn lượng sữa vì nghĩ uống nhiều bé không ăn được nữa. Dưới 1 tuổi sữa vẫn là bữa chính vì có nguồn gốc động vật, cung cấp đầy đủ vi chất dinh dưỡng cần thiết cho các hoạt động hằng ngày của cơ thể. Việc giảm lượng sữa dễ làm bé thiếu vi chất.